Xây dựng hệ thống giáo dục đạt tiêu chuẩn thiết kế trường đại học đẳng cấp quốc tế không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn thể hiện việc bắt kịp xu thế phát triển thời đại. Vậy những tiêu chuẩn này là gì và được áp dụng ra sao? Cùng WEDO tìm hiểu trong Bản tin hôm nay.
MỤC LỤC
Quy định chung về tiêu chuẩn thiết kế trường đại học
Quy mô các trường đại học được xác định dựa trên tổng số sinh viên theo học các hệ dài hạn, chuyên tu, sau đại học và trên đại học, cộng thêm 20% số sinh viên thuộc hệ tại chức, theo bảng dưới đây:
Bảng 1: Quy mô các trường đại học
Loại trường đại học | Số lượng sinh viên |
---|---|
Tổng hợp | 3.000 đến 6.000 sinh viên |
Bách khoa và kỹ thuật | 4.000 đến 6.000 sinh viên |
Nông nghiệp | 2.000 đến 5.000 sinh viên |
Sư phạm | 3.000 đến 5.000 sinh viên |
Kinh tế | 2.000 đến 4.000 sinh viên |
Y, dược | 1.500 đến 4.000 sinh viên |
Văn hóa, nghệ thuật | 500 đến 1.500 sinh viên |
Thể dục, thể thao | 500 đến 1.500 sinh viên |
Bảng này chi tiết hóa các mức độ quy mô dành cho từng loại hình trường đại học khác nhau, từ tổng hợp, bách khoa, kỹ thuật, đến nông nghiệp, sư phạm, kinh tế, y dược, văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao. Sự phân loại này giúp các nhà hoạch định và quản lý giáo dục đưa ra các chiến lược và chính sách phù hợp để phát triển và mở rộng quy mô đào tạo một cách hiệu quả.
Tiêu chuẩn về tổng thể kiến trúc trường đại học
Một trường đại học, dù quy mô lớn hay nhỏ, cần đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế kiến trúc với các khu vực sau:
- Khu học tập và cơ sở nghiên cứu khoa học
- Thư viện và hội trường
- Khu thể dục thể thao
- Khu ký túc xá sinh viên
- Khu nhà ở cho giảng viên và cán bộ công nhân viên
- Khu công trình kỹ thuật: bao gồm trạm bơm, trạm biến thế, xưởng sửa chữa, kho tàng, nhà để xe ô tô và xe đạp.
Trái với công trình nhà đẹp, mặt bằng chọn xây dựng trường đại học phải rộng rãi, cao ráo, yên tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói và khí độc. Đồng thời, cần có giao thông thuận tiện, điều kiện cung cấp điện nước, thông tin liên lạc, và internet tốt nhất.
Tiêu chuẩn thiết kế khu giảng đường trường đại học
Tiêu chuẩn thiết kế không gian giảng đường
Điều kiện mặt bằng và tiêu chuẩn chuyên ngành của mỗi trường đại học có thể khác nhau, nhưng thiết kế giảng đường cần đáp ứng những yêu cầu chung sau:
Thứ nhất, không gian thoáng rộng và có nhiều hơn một lối ra vào. Giảng đường thường có sức chứa lớn, đôi khi tương đương với một hội trường lớn. Số lượng người đông, nếu không gian chật chội sẽ khiến sinh viên cảm thấy mệt mỏi, âm thanh trong phòng không tốt, khả năng tiếp thu bài giảm, ảnh hưởng đến chất lượng buổi học.
Thứ hai, bố trí bàn ghế: Bàn ghế trong giảng đường có thể sắp xếp theo hai cách: kiểu hàng thẳng hoặc kiểu vòng cung. Các dãy ghế có thể nằm trên một mặt phẳng hoặc xếp theo kiểu bậc thang, từng tầng cao dần lên.
Theo tiêu chuẩn Việt Nam – TCVN 3981:1985 về thiết kế giảng đường đại học, số lượng mỗi dãy tối đa là 12 – 14 ghế (có hai lối ra vào) hoặc 6 – 8 ghế (nếu chỉ có một lối ra vào).
Tiêu chuẩn thiết kế nội thất giảng đường
Bàn ghế giảng đường
Hiện nay, thiết kế giảng đường hiện đại thường áp dụng hai mô hình chính: kiểu lớp học và kiểu hội trường. Mỗi mô hình có cách sắp xếp khác nhau và các tiêu chuẩn về diện tích, khoảng cách cũng không giống nhau.
Dưới đây là những con số hợp lý cho diện tích mỗi chỗ ngồi trong các loại giảng đường và lớp học:
STT | Tên giảng đường – lớp học | Diện tích 1 chỗ ngồi (m²) |
---|---|---|
1 | Giảng đường 500 chỗ ngồi | 0,9 |
2 | Giảng đường 400 chỗ ngồi | 1,0 |
3 | Giảng đường 200 – 300 chỗ ngồi | 1,0 |
4 | Giảng đường 150 chỗ ngồi | 1,2 |
5 | Giảng đường 100 chỗ ngồi | 1,3 |
6 | Lớp học 50 – 75 chỗ ngồi | 1,5 |
7 | Lớp học 25 chỗ ngồi | 2,2 |
8 | Lớp học 12 – 25 chỗ ngồi (có thiết bị dạy và kiểm tra) | 3,0 |
9 | Giảng đường nghệ thuật, sân khấu 200 – 300 chỗ | 1,8 |
Những con số trên giúp đảm bảo không gian học tập thoải mái và hiệu quả, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn thiết kế hiện đại.
Bục giảng
Bục giảng trong lớp học thông thường được xây từ gạch và ốp gạch men cao cấp. Đối với các giảng đường lớn, bục giảng thường được làm từ gỗ công nghiệp chống ẩm, phủ sơn PU công nghệ cao. Chiều cao trung bình của bục giảng thường dao động từ 25 đến 35 cm.
Bảng viết hoặc màn hình là các công cụ hỗ trợ quan trọng trong giảng dạy. Theo tiêu chuẩn quốc gia, diện tích tối thiểu của mặt bảng được quy định như sau:
- 5 m² cho giảng đường có từ 50 đến 75 chỗ ngồi
- 7 m² cho giảng đường có từ 100 đến 150 chỗ ngồi
- 10 m² cho giảng đường có 200 chỗ ngồi hoặc lớn hơn
Âm thanh & ánh sáng
Khi thiết kế giảng đường đại học, các kiến trúc sư và chủ đầu tư cần chú ý đến một số tiêu chuẩn về ánh sáng sau:
- Đảm bảo độ rọi trong khoảng từ 300 đến 500 lux (lux là đơn vị đo lượng ánh sáng chiếu trên một bề mặt, với 1 lux tương đương với 1 lumen trên mỗi mét vuông).
- Đèn nên được bố trí song song với hướng nhìn từ cửa để giảm thiểu tình trạng lóa mắt. Các dải đèn chiếu sáng nên được lắp đặt từ trần, chiếu trực tiếp xuống.
- Số lượng đèn cần đáp ứng độ rọi tiêu chuẩn, với mật độ công suất tiêu thụ điện dưới 10W/m².
- Giảng đường cần có hướng đẹp để đón được nhiều ánh sáng tự nhiên, nên thiết kế nhiều cửa sổ để tận dụng tối đa nguồn sáng này.
Tiêu chuẩn thiết kế thư viện trường đại học
Thư viện là yếu tố quan trọng và bắt buộc khi thiết kế trường học, đặc biệt nếu bạn muốn đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế cho trường đại học.
Theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền, thư viện của trường đại học phải được thiết kế để phục vụ 100% sinh viên, nghiên cứu sinh dài hạn, giáo sư, cán bộ giảng dạy và cán bộ khoa.
Số lượng sách tiêu chuẩn khác nhau tùy theo chuyên ngành của mỗi trường đại học. Đối với các trường y khoa, văn hóa – nghệ thuật, sư phạm, cần đảm bảo 123 đơn vị sách/người và số chỗ ngồi trong phòng đọc đáp ứng 15% tổng số lượng độc giả. Đối với các trường kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, cần khoảng 106 đơn vị sách/người và số chỗ ngồi đáp ứng 12%. Các trường văn hóa cần đảm bảo 20% số chỗ ngồi.
Ngoài các phòng thiết yếu như phòng sách, kho tài liệu, và phòng đọc, thư viện nên có phòng diễn giảng để phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.
Một số tiêu chuẩn thiết kế trường đại học khác
Tiêu chuẩn thiết kế nhà hành chính
Khu nhà hành chính của trường đại học gồm các không gian chính như phòng Hiệu bộ, phòng đoàn thể xã hội, các phòng ban, phòng tiếp khách và văn phòng khoa.
Trong thiết kế các không gian này, cần lưu ý các điểm sau:
- Phòng bộ môn và văn phòng khoa phải có phòng riêng cho Chủ nhiệm bộ môn hoặc Trưởng khoa với diện tích tối thiểu 18m².
- Phòng làm việc cho cán bộ giảng dạy bộ môn cần diện tích tối thiểu 4m² mỗi người.
- Phòng phương pháp giảng dạy cần diện tích lớn, tối đa 54m².
- Phòng các bộ phận hành chính như tuyển sinh, kế toán, đào tạo,… phải có diện tích tối thiểu 25m².
Công trình thể dục thể thao
Các cơ sở thể dục thể thao trong trường cần thiết kế theo tiêu chuẩn sau:
- Phòng thể dục dụng cụ với diện tích tiêu chuẩn là 36x18x8 (m).
- Phòng thể dục thể thao loại trung bình với diện tích 24x14x7 (m).
Ngoài ra, trường cần có các sân thể thao ngoài trời cơ bản như:
- Sân bóng đá với đường chạy dài 400m.
- Sân bóng chuyền.
- Sân bóng rổ.
- Sân quần vợt.
- Bể bơi ngoài trời kích thước 50x21m.
>> Xem thêm: Trọn bộ tiêu chuẩn thiết kế trường trung học phổ thông hiện hành
Ký túc xá sinh viên
Ký túc xá, hay nhà ở dành cho sinh viên, phải được thiết kế đáp ứng các tiêu chuẩn đảm bảo chỗ ở cho học sinh nội trú theo các tiêu chí sau:
- Đáp ứng 100% cho học sinh hệ dài hạn.
- Đáp ứng 100% cho học sinh hệ chuyên tu.
- Đáp ứng 20% cho học sinh hệ tại chức.
- Đáp ứng 100% cho học sinh hệ sau đại học, học sinh nước ngoài, và các học sinh thuộc hệ bồi dưỡng, dự bị.
Trên đây là tổng hợp tiêu chuẩn thiết kế trường đại học mà WEDO muốn chia sẻ đến bạn. Hẹn gặp bạn trong Bản tin kế tiếp.